Ngày đầu tiên của năm 2023, khai bút đầu năm mình sẽ phân tích dữ liệu người dùng nghe phát thanh trực tuyến trên nền tảng web trong năm 2022. Bài phân tích sẽ không bao gồm các nền tảng OTT, phát thanh truyền thống và các kênh phát thanh địa phương. Mục đích của bài viết nhằm cung cấp một phần bức tranh về người nghe phát thanh tại Việt Nam.
1. Giới thiệu qua về dữ liệu
Nguồn dữ liệu: Dữ liệu về người dùng được mình thu thập độc lập bằng Google Analytics trong năm 2022 trên nền tảng web, không khai thác dữ liệu của bên thứ 3.
Tính đại diện của dữ liệu: Các từ khóa về nghe đài trên webite thu thập hiện đang giữ top đầu tìm kiếm trên Google nên tỷ lệ chuyển đổi truy cập nghe đài của người dùng cao, thỏa mãn tính đại diện cho người nghe đài trên nền tảng web.
2. Phân tích về lượng người dùng
Dữ liệu bắt đầu được thu thập từ tháng 03/2021, tổng số người dùng trong năm 2022 đạt 108K (tăng 164% so với năm 2021), số người dùng mới so với năm 2021 là 105K (tăng 159,4%). Năm 2021 là thời gian tối ưu website, SEO từ khóa lên top nên có mức tăng trưởng mạnh, năm 2022 lượng người dùng bắt đầu ổn định, chỉ có một số thời điểm có sự tăng đột biến, đặc biệt là dịp 30/4 năm nay. Thử soi lý do tại sao nhé 😀
Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay được nghỉ 4 ngày (từ 30/4 tới 03/5), bắt đầu từ tối thứ 6 ngày 29/4 người dân bắt đầu về quê, đi chơi, lượt tìm kiếm về VOV Giao thông tăng mạnh, tương tự với ngày trở lại vào thứ 2 (2/5) và thứ 3 (3/5). Sau dịp này mọi thứ lại trở lại bình thường.
Người dùng theo thành phố dịp này tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, hai tâm điểm về giao thông cũng như là nơi có sóng VOV Giao thông bao phủ. Một số dịp nghỉ lễ trong năm cũng có sự tăng tìm kiếm về VOV giao thông nhưng không nhiều như dịp 30/4 do số ngày nghỉ ít.
3. Phân tích về thời gian nghe của người dùng
Trung bình người dùng chỉ dành 2’39s để nghe radio, so sánh với một số con số trích từ báo cáo của We are social năm 2022 thời gian online trung bình của mỗi người là 6h58′, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình là 2h27′, thời gian xem youtube trung bình của người Việt Nam là 70′ (báo cáo của google năm 2022), thời gian xem truyền hình trên web vtvgo là 3’29s (số liệu từ similarweb). Có thể thấy thời gian dành cho nghe Radio của người dùng chưa cao.
4. Phân tích về tỷ lệ giữ chân người dùng
Tỷ lệ giữ chân người dùng được hiểu là tỷ lệ một người quay lại nghe sau lần truy cập đầu tiên. Người dùng quay lại sau 1 ngày trong năm 2022 thấp nhất là 2,8%, cao nhất 14% và có sự sụt giảm xuống dưới 10% từ tháng 8. Kiểm tra lượt truy cập từ tìm kiếm trong khoảng thời gian này vẫn ổn định, nguyên nhân có thể là nội dung không còn đủ sức hấp dẫn để giữ chân người dùng. Tỷ lệ người dùng quay lại sau 7 ngày nằm trong khoảng 0,6% đến 8,0% và quay lại sau 30 ngày từ 0% đến 3,3%.
5. Phân tích số lượng nghe theo kênh
Top 5 là VOV1, VOV2, VOV3 và VOV Giao thông. VOV1 vẫn là kênh có số lượng người nghe và thời gian tương tác lớn nhất, ngay sau đó là VOV Giao thông Hà Nội, tuy nhiên thời gian tương tác của VOV Giao thông Hà Nội chỉ ở mức 1’09s, nguyên nhân có thể do tần suất quảng cáo cao nên người dùng đã chuyển sang kênh khác, rất tiếc không có thông tin luồng truy cập của người dùng để xác nhận nhận định trên. VOV1 vào một số thời điểm của tháng 9 (ngày 20,21,22, 28, 29), tháng 10 (ngày 11, 12, 27), tháng 11 (ngày 1) có lượng truy cập cao đột biến, hệ thống không tracking người dùng truy cập khung giờ nào, tuy nhiên tham chiếu chéo sang một hệ thống khác của mình (hình dưới) ghi nhận ngày 22/9 người dùng tập trung nghe nhiều các chương trình thời sự, Thức cùng VOV và Cuộc sống 365, hệ thống này truy cập ít, chủ yếu để lưu lại chương trình nên chỉ để tham khảo.
6. Phân tích người dùng theo quốc gia
Không có gì lạ khi chủ yếu người Việt Nam truy cập để nghe Radio Việt Nam, Hoa Kỳ là nơi có cộng đồng người Việt lớn nên lượt nghe đứng thứ 2, tuy nhiên kể từ thời điểm ngày 26/5 mất hút truy cập từ Mỹ, mình chưa biết lý do, có thể bị phía Mỹ block truy cập, cái này lúc nào có thời gian mình sẽ kiểm tra xem sao. Còn 1 điểm đáng chú ý nữa là ở Đức tuy người dùng không cao nhưng lại có thời gian tương tác lớn nhất, chứng tỏ người nghe ở đây rất quan tâm đến các chương trình phát thanh tại Việt Nam.
7. Phân tích người dùng theo giới tính
Trong số 108K người dùng được hệ thống ghi nhận, có 7.584 người xác định là giới tính nam (chiếm 64,8%), 4.129 người xác định là giới tính nữ (chiếm 35,2%) và khoảng 98.7K người không xác định được giới tính. Điều này thể hiện nam giới quan tâm đến Radio hơn nữ giới gần gấp đôi, dữ liệu về thời gian tương tác cũng chỉ ra nam giới dành nhiều thời gian nghe Radio hơn nữ giới.
8. Phân tích người dùng theo độ tuổi
Nhóm người nghe tập trung chủ yếu từ 25-34 và 35-44, độ tuổi đã đi làm và có sự nghiệp, lứa tuổi trẻ 18-24 cũng rất mừng là đứng thứ 3, các lứa tuổi cao hơn có thể do hạn chế về tiếp cận công nghệ nên lượt nghe qua web ít hơn.
9. Phân tích người dùng theo địa phương
Top 1, 2 vẫn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, tuy quy mô dân số là tương đương nhau (~8tr HN và ~9tr ở HCM) nhưng Hà Nội số lượng người nghe vẫn gấp đôi HCM. Các địa phương nghe Radio nhiều cũng chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc. Điều này cũng có thể do nội dung mang yếu tố vùng miền chưa thu hút được người nghe.
10. Phân tích người dùng theo thiết bị
Không có gì khó đoán khi người nghe radio tập chung chủ yếu trên thiết bị di động (chiếm 72%), trên PC chiếm 24,7% và chỉ một số ít nghe trên tablet (3.3%). Con số này cho thấy xu hướng phát triển ứng dụng OTT cho phát thanh và truyền hình là điều tất yếu.
Nhìn sâu hơn một chút về thiết bị sử dụng, đa phần người nghe trên iPhone, trên các máy Android và Windows có thị phần bằng nhau và số ít nghe trên máy MAC.
Trên đây là những gì mình thu thập được trong năm 2022, hy vọng sẽ cung cấp được một chút thông tin hữu ích về người dùng phát thanh tại Việt Nam. Năm mới 2023 chúc trong các kênh phát thanh sẽ đổi mới về nội dung, đa dạng về thể hiện để thu hút đông đảo thính giả hơn nữa.
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết phân tích dữ liệu tiếp theo. 😀