Đây là lần đầu tiên mình đi bụi ở nước ngoài, trước khi đi cũng lo phết, ngồi ngâm cứu đủ các trang du lịch lên kế hoạch mất mấy ngày liên. Tiện viết nhật ký hành trình mình cũng lưu lại một vài kinh nghiệm để các bạn đi sau tiết kiệm chút chút thời gian.
Nội dung gồm những phần sau:
1. Vé máy bay, khách sạn.
Mình đặt vé của hãng hàng không Nok Air Thái Lan từ tháng 3, khởi hành 8:50 tối thứ 4 (29/6) và về lúc 6:10 sáng thứ 2 (4/7). Giá vé khứ hồi khoảng 90$ bao gồm 30 Kg hành lý ký gửi, hạ cánh ở sân bay Don Mueang. Cảm nhận cá nhân là hài lòng, không bị delay, được phục vụ đồ ăn nhẹ trên máy bay. Có mỗi cái là máy bay bay nhanh quá, trên vé ghi 2 tiếng mới tới nơi mà bay 1 tiếng 15 phút đã thấy hạ cánh rùi ? ?
Tip: Các bạn có thể săn vé giá rẻ 0đ của Air asia, Jetstar, Vietjet để tiết kiệm chi phí. Nếu có thẻ visa thì cứ mua trực tiếp trên web, chả phải qua đại lý gì sất, đội chi phí mà chả có thêm quyền lợi gì.
Khách sạn mình đặt trên Agoda, thanh toán bằng thẻ visa. Xác định đi là chính, chỉ ngủ với tắm rửa thôi nên mình chọn khách sạn tầm trung. Ở Bangkok mình ở Linkcorner hostel, gần chợ Pratunam, tháp Bayoke, trung tâm mua sắm, ngay cạnh ga tàu điện, giá tầm 960K một đêm, phòng 4 giường cho 4 người. Ở Pattaya mình ở 18 coins hotel, giá tầm 310K một phòng 2 người, đầy đủ tiện nghi, mất tầm 5 phút đi bộ ra biển. Hai khách sạn đều tốt tuy nhiên đi về xong nếu được chọn lại mình sẽ chọn khách sạn khác cho phù hợp với lịch trình hơn.
Tip: Bạn nên lên lịch trình trước rồi quyết định khu vực thuê khách sạn.
Chú ý giờ check in, check out. Nếu đến check in trước thì nên liên hệ với khách sạn trước nhé. Có thể check in 24/24. Đến check in khách sạn yêu cầu tất cả mọi người phải xuất trình hộ chiếu.
Có thể đặt chỗ nghỉ qua ứng dụng Airbnb (đi về mình mới biết cái này), ứng dụng này cho phép bạn thuê nhà của người dân (một căn chung cư chẳng hạn), giá rất dễ chịu có tính hòa nhập với cộng đồng cao hơn.
2. Thủ tục và một số lưu ý ở sân bay.
Cái này dành cho bạn nào lần đầu tiên đi.
Đầu tiên bạn sẽ check in và gửi hành lý ký gửi ở quầy lấy vé. Chú ý là sạc dự phòng, pin, các chất dễ cháy nổ không được để trong hành lý ký gửi. Bỏ ra xách tay nha. Vali có thể lấy giấy dán viết tên, số điện thoại mình lên đề phòng nếu thất lạc người ta còn biết đường mà gọi cho mình (mình thấy nhiều người làm thế, mình giàu, không làm, mất không tiếc =)) )
Sau khi gửi đồ đi qua chốt kiểm tra vé máy bay, hộ chiếu với quét hành lý xách tay. Chỗ này chỉ soi tên với mặt xem có giống không thì phải.
Tip: Không được mang nước vô thì mang chai rỗng cũng được, vào bên trong có cây nước miễn phí lại cho vô.
Tiếp đó là chốt Hải Quan. Ở đây mấy anh chị Hải Quan sẽ chụp ảnh, scan hộ chiếu, có thể hỏi gì đó hoặc không. Mấy anh Hải Quan Việt Nam cười cũng thân thiện lắm :D. Ở Bangkok cũng khá lịch sự, có chị Hải Quan thấy có người bế con nhỏ còn chạy ra kéo lên ưu tiên cho đi trước. Mấy bạn review bảo Hải Quan Thái ghê lắm, hỏi này hỏi nọ, đòi mở ví xem có bao nhiêu tiền mới cho qua làm mình lo. Làm thủ tục nhập cảnh với xuất cảnh ở Thái mình thấy không có một ai bị thế cả.
Trên máy bay thấy nhiều người xin tiếp viên tờ khai nhập cảnh. Lúc đó mình không biết là gì nên không xin. Lúc xuống đến cửa hải quan mới tá hỏa không biết kiếm đâu ra cái giấy đó. Ở mấy bàn phát giấy tờ cũng không có giấy này. Sau đi hỏi mấy nhân viên hải quan ở sân bay mới xin được. Giấy này có 2 phần, một phần Arrival Card hải quan giữ lại, phần Departure Card mình sẽ giữ và kẹp vào hộ chiếu lúc làm thủ tục xuất cảnh. Cách điền thông tin các bạn có thể tham khảo hình dưới. Lúc nhập cảnh phải có cái Arrival Card, cuống vé, hộ chiếu nha. Các bạn đừng vui tay lên máy bay rồi quăng cuống vé đi nhé. Mình nghĩ nếu ko có vẫn được nhập cảnh thôi, nhưng cứ làm đầy đủ như nó yêu cầu cho đỡ lằng nhằng.
Tip: luôn lưu giữ các giấy tờ trong các chuyến đi.
3. Di chuyển ở Thái Lan
a. Di chuyển từ sân bay vào thành phố và ngược lại.
Mình bay sân bay Don Mueang, đến sân bay làm thủ tục xong xuôi cũng tầm 12h. Review trên mạng nhiều người tư vấn đi xe bus, tàu điện, xe lửa, taxi đủ kiểu. Cũng lăn tăn vụ taxi không chạy theo đồng hồ mà chạy theo giá thỏa thuận nhiều người bảo. Cơ mà bây giờ có lẽ Thái Lan chấn chỉnh lại rồi. Mấy em bán sim chỉ ra cổng số 8 (à, bạn có thể mua sim ngay sân bay, ra khỏi cửa là có mấy em đứng đó sang sảng 299 bạt 7 ngày 4G tẹt ga, nói tiếng Việt luôn nha, mình mua 1 cái ở đây). Tại cổng số 8 bạn nói với quản lý cần đi tới đâu, họ sẽ sắp xếp tài xế cho, yên tâm là đi bằng đồng hồ nhé. Từ sân bay về khách sạn hết 250 bạt (tiền taxi theo đồng hồ) + 50 bạt (phí sân bay) + 70 bạt (Phí cao tốc, nếu bạn chọn đi đường thường thì khoản này trừ đi) ~ 240K. Từ khách sạn ra lại sân bay, bắt taxi dọc đường, tài xế cũng đi bằng đồng hồ, không phải mặc cả gì cả, đi đường thường, không cao tốc, chỉ hết 151 bạt ~ 98K, quá rẻ so với khoảng cách tầm 24km và chả hiểu sao lại rẻ hơn lúc đi ?
b. Di chuyển bằng tàu điện trên cao, tàu điện ngầm.
Mình tính toán lịch trình để có thể trải nghiệm tất cả các phương tiện di chuyển ở Thái Lan. Khách sạn Linkconner ở ngay bến tàu Ratchaprarop thuộc tuyến Airport Rail Link (Tuyến này nối thẳng ra sân bay Suvarnabhumi, rất tiện cho bạn nào đi sân bay này). Mình đi đến trạm Phaya Thai rồi chuyển sang tuyến Sukhumvit. Dừng tại trạm Siam rồi chuyển sang tuyến Silom để đến trạm Saphan Taksin. Buổi tối lúc về mình đi tàu điện ngầm từ Hua Lamphong tới Sam Yan. Cảm nhận ban đầu là sạch sẽ, hiện đại và văn minh. Tàu cứ tầm 3 đến 5 phút là có một chuyến, chạy vèo cái tới nơi, người dân xếp hàng lần lượt lên tàu không chen lấn, các bạn Nam Thái auto đứng lên nhường ghế cho các bạn nữ nhà mình, mọi người trật tự, không ồn ào. Rất hy vọng tuyến tàu điện triển khai sắp tới ở Hà Nội được như thế.
Bạn có thể mua vé tàu bằng tiền xu hoặc tiền giấy, có máy bán tự động ở ga. Cách mua rất đơn giản, trên mạng cũng có bài hướng dẫn rồi, các bạn có thể tìm đọc không thì đến quan sát cách người ta mua rồi bắt chiếc theo. Nếu sợ nó nuốt xèng mà ko nhả thẻ thì đến quầy mua trực tiếp với nhân viên bán vé cũng được. Lúc cho thẻ tàu (dạng thẻ chữ nhật) vào cửa nó sẽ trồi ra, nhớ cầm lấy nha. Còn thẻ dạng xu thì chỉ cần hơ lên là nó mở cửa cho vào. Lúc ra khỏi cửa thì nhét cái thẻ/ xu vào cửa nó sẽ nuốt luôn.
Hướng dẫn mua vé tàu điện ở Bangkok
c. Di chuyển bằng thuyền trên sông Chao Phraya
Dưới chân bến tàu điện Saphan Taksin là bến thuyền Chao Phraya, bạn đi bến thuyền ở bên trái nha. Cái thuyền có cờ màu cam/vàng ý. Giá vé có 14 bạt một người cả chặng, lên thuyền mới trả tiền. Bến thuyền bên phải nó chém tận 100 bạt một người, họ ra mời chào đon đả lắm. Thuyền đi dọc sông Chao Phraya, đến các điểm dừng nó sẽ ghé vào. Mình dừng ở trạm N8 Tha Tien để bắt đầu đi bộ vào thăm chùa Wat Pho.
Tại trạm Tha Tien bạn cũng có thể bắt thuyền sang bên kia sông để thăm chùa Wat Arun, nhìn chùa đấy đang sửa nên mình cũng không đi. Giá vé 3 bạt một người.
d. Di chuyển bằng thuyền bus trong thành phố
Sau khi thăm chùa Wat saket mình đến bến thuyền ngay gần đó để về khách sạn. Thuyền chạy trên sông bẩn bẩn như sông Tô Lịch nhà mình. Tiện cái là chạy thẳng về ngay gần khách sạn. Phóng phê lắm, rẽ nước đi ầm ầm. Giá 10 bạt một người. Có rất nhiều bến dừng gần các điểm tham quan, các bạn có thể nghiên cứu cho phù hợp với chuyến đi của mình.
e. Di chuyển bằng taxi trong thành phố
Tối mình đi từ khách sạn ra China Town để ăn, bọn túc túc nó đòi 400 bạt lận nên mình ko đi. Taxi đi theo giá thỏa thuận 200 bạt, mình thấy cũng hợp lý lên không mặc cả gì cả. Nếu đi bằng đồng hồ chắc các bạn mất tầm 100 bạt thôi.
f. Di chuyển bằng xe bus
Mình đi từ Silom về khách sạn bằng xe bus. Bus Thái Lan sập xệ lắm, không điều hòa. Lên xe chả thấy ai thu tiền gì cả. Hỏi người xung quanh họ bảo Bus miễn phí, hỏi tại sao miễn phí thì họ bảo không biết, chắc chính phủ trợ cấp. Quá đã. Sau hôm đó mình có đi bus ra Ekkamai để bắt xe khách đi Pataya, có nhân viên thu 9 bạt một người. Hệ thống xe bus của Thái phủ khắp mọi nơi, mình có thể tự tin đi được bất cứ nơi nào bằng xe bus với tối đa 1 lần chuyển xe. Xe bus ở Thái có 2 loại, có điều hòa và không có điều hòa. Rất nhiều tuyến được nhà nước trợ giá không mất tiền, các tuyến mất tiền giá từ 9 bạt đến 13 bạt tùy chặng.
g. Di chuyển đến Pattaya bằng xe khách
Bạn có thể đi bus tới bến xe Ekkamai, hoặc đi tàu điện tuyến sukhumvit dừng ở trạm E7 Ekkamai. Cửa mua vé đi Pattaya ở ngay đầu, giá vé đi 108 bạt. Xe bên ngoài nhìn khá cũ, nhưng lên xe khá sạch sẽ, ngồi theo ghế ghi trên vé, không nhồi nhét. Xe nhìn đểu mà đi êm phết, hơn mấy cái bus công ty mình đi hàng ngày. Cứ khoảng 20 phút có một chuyến, đi khoảng 2h30’ là tới nơi.
h. Di chuyển ở Pattaya bằng Sỏng thẻo
Sỏng thẻo là tên của loại xe bán tải được chế để chở người. Có ở khắp mọi nơi ở Pattaya. Ở bến xe khách bạn bắt Sỏng Thẻo để về khách sạn, sẽ có một anh hướng dẫn du lịch hỏi bạn đến khách sạn nào, chỉ cho lên xe Sỏng thẻo nào, anh này khá thân thiện, còn nói được “Năm mươi bạt one person”. Nói chung bạn không cần phải lăn tăn giá tiền làm gì, giá tham khảo nếu đi taxi 400 bạt, đi xe ôm tầm 100 bạt. Sỏng Thẻo kiểu này là rẻ rồi.
Tuy nhiên bật mí là đi thế vẫn đắt, bạn có thể đi với giá rẻ hơn. Bạn cứ ra ngoài đường thấy cái Sỏng thẻo nào đang chạy thì vẫy, mình đi cứ 100 bạt/4 người, thích đi đâu cũng được (Nó hét 150 bạt, mặc cả 100 bạt 1 lần đi lun, nghĩ lại chắc mình vẫn hớ).
Tip: đừng bắt mấy cái Sỏng thẻo đang đỗ dọc đường, nó chém kinh lắm, cứ vẫy những cái đang chạy trên đường ý. Gần như giá nào nó cũng đi ?
i. Di chuyển ở Pattaya bằng xe máy
Xe máy bạn có thể thuê ở bất cứ đâu tại Pattaya. Giá thuê tầm 200 bạt/24h. Có chỗ mình mặc cả được 100 bạt nhưng đúng lúc họ hết xe, nên phải thuê ở chỗ khác. Bạn có thể thuê cả xe phân khối lớn, giá tham khảo 800 bạt, mặc cả 500 bạt là cho thuê :D. Xăng họ đổ cho mình. Có hợp đồng thuê xe đàng hoàng. Nhớ đội mũ bảo hiểm đầy đủ, đi bên trái đường. Công an bắt phạt từ 400 tới 800 bạt nha :3
Tip: bạn thuê xe tầm 2 tiếng là có thể đi hết các nơi ở Pattaya rồi, có thể vin vào đó để mặc cả.
Giao thông ở Thái Lan rất phát triển, nhất là giao thông công cộng. Ý thức người tham gia giao thông cao. Ô tô thấy mình đi bộ sang đường sẽ dừng lại nhường đường, mọi người đều qua đường đúng vị trí vạch kẻ. đi bộ trên vỉa hè. Các phương tiện giao thông phân chia đủ cho các tầng lớp xã hội. Nếu bạn có tiền bạn có thể sắm xe riêng, nếu bạn ít tiền bạn có thể đi tàu điện và nếu bạn nghèo thì có thể đi thuyền hoặc xe bus. Chỉ khác ở thời gian, mức độ thoải mái còn mục đích di chuyển tới nơi cần đến là như nhau.
4. Lịch trình tại Bangkok
Trên đây là tất cả kinh nghiệm đi lại, ngủ nghỉ của mình. Bây giờ sẽ là lịch trình chi tiết mình tính toán để có thể đi nhiều nơi nhất có thể trong khoảng thời gian ở Bangkok.
Ngày đầu tiên mình ra khỏi khách sạn lúc 8 rưỡi, trải nghiệm 3 chuyến tàu điện trên cao, dừng chân ở bến thuyền Chao Phraya. Tiếp đó đi thuyền ngắm cảnh trên sông Chao Phraya và dừng ở bến Tha Tiên. Xuống bến đi bộ tầm 200m là đến chùa Wat Pho. Ngôi chùa có tượng Phật nằm lớn nhất thế giới. Tại đây bạn phải mua vé vào cửa 100 bạt, được miễn phí mỗi người một chai nước lạnh. Ngày mình đi may mắn thấy các nhà sư đang cử hành lễ gì ý. Chả bít. Ka ka.
Thăm chùa Wat Pho xong mình đi bộ sang Hoàng Cung (Grand place) ngay cạnh đó. Chỗ này vé vào cửa 500 bạt một người. Mình không vào, chỉ đi tham quan bên ngoài thôi cũng đủ. Đông khách du lịch lắm, tây ta có đủ, nhiều nhất là bọn Tàu, người Việt Nam cũng nhiều không kém, đi đâu cũng thấy tiếng Việt nghe vui tai lắm.
Đến gần trưa tụi mình đi bộ sang Khao San Road, khu phố tây nổi tiếng để dùng bữa tại đây. Ăn xong đi bộ ngắm hàng quán rồi ghé vô KFC uống nước ngồi nghỉ.
Tầm 2h chiều bọn mình đi bộ ra Giant Swing, cánh cổng như kiểu cái cổng còn sót lại trong thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản ới. Chụp vài kiểu ảnh rồi đi ra chùa Wat Saket. Bạn có thể leo lên đỉnh chùa để ngắm nhìn toàn cảnh khu phố cổ của Thái Lan. Hôm mình đi gặp đúng ngày làm lễ của một anh nào đó ở tận Ấn Độ sang. Nghe bảo là diễn viên trong cô dâu 8 tuổi :3, mình không coi nên ko biết có phải không, cũng làm màu chắp tay đi vòng vòng cái tháp trên đỉnh ?
Tầm 3 rưỡi mình ra bến thuyền đi về khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi để tối chiến tiếp.
Tối 7h xuất quân đi ăn, bắt taxi ra khu phố Tàu China Town. Bạn nên đi từ cuối phố lên đầu phố, bên phải đường rất nhiều hàng quán ăn vặt. Mình cứ thấy có gì ngon là ăn thôi. Làm cú chốt ở quán hải sản Lek & Rut (màu đỏ), bạn cũng có thể ăn ở quán T & K (màu xanh) ngay bên cạnh. Hai quán này mình thấy chả khác gì nhau cả.
Ăn xong đi bộ hết đường China Town rồi ra bắt tàu điện ngầm từ Hua Lamphong tới Sam Yan để đi khu đèn đỏ Silom. Bạn đi vào chợ đêm Patpong trước, cứ đi dọc đó đến gần đoạn cuối cuối sẽ có một loạt các bar xập xình, các em gái bikini đứng mời chào vào bar, các anh zai chìa giấy in hình đủ tư thế xxx mời coi sex show. Chỉ cần một chai bia giá tầm 80 bạt là bạn cóa thể thưởng thức show cả đêm rùi. Mình đi với gái nên chỉ vào một bar uống nước hoa quả, nghe nhạc sống thôi. Đi về mà không quên câu mấy thằng cha ở đó nhắn nhủ “next time, you should come here alone” =)))). Phần này chỉ có hình đường phố, không dám chụp cảnh các em show hàng sợ bọn bảo vệ nó tương chết :3.
Ngày thứ 2 tầm 9h mình ra khỏi nhà, đi bộ ra chợ Pratunam, chợ bán chủ yếu là quần áo, ọp ẹp, cũ rồi. Đi cho biết chứ không mua được gì cả. Ra khỏi chợ Pratunam, sang bên đường là trung tâm thương mại Platinum, mình lên tầng 6 ăn sáng rồi đi ngược xuống ngắm đồ. Chỗ này giống chợ Đồng Xuân chuyên bán quần áo, phụ kiện, tuy nhiên khang trang và đẹp đẽ hơn. Hôm cuối quay lại đây mình mua được mấy cái áo, cái quần. Chỗ này rất phù hợp để mua sắm, người bán hàng còn nói giá bằng tiếng Việt được cơ, mua 1 cái giá khác, mua 3 cái giá khác, các bạn sang đánh hàng qua đây mua khá được.
Kế bên Platinum là chợ điện tử Pantip, khu này đủ mọi đồ điện tử, nhìn khoái vãi. Em đi cùng mua được cái ốp sạc dự phòng còn mình mua cái quạt con con cắm điện thoại cho đỡ nóng.
Tiếp đó mình đi ra bến xe bus bắt xe đi Ekkamai, lúc đi có đi qua khu Center world to và hoành tráng nhất Bangkok.
Tối hôm từ Pattaya trở về Bangkok mình đi ăn tại tháp Bayoke, tòa tháp cao nhất Thái Lan. Ăn buffet tại tầng 78, rồi lên tầng 84 ra ngoài tháp xoay 360 độ ngắm trọn vẹn toàn cảnh Bangkok về đêm trên cao. Vé mua buffet tại chỗ khoảng 1000 bạt một người. Mình mua voucher qua trang hotels2thailand.com cho 4 người hết 2592 bạt, đắt xắt ra miếng nhưng cũng bõ cái bụng.
Ngày cuối cùng ở Bangkok dành cho mua sắm. Mình quay lại Platinum mua quần áo, qua Center World lại mua quần áo tiếp (chỗ này mua đồ hiệu), cuối cùng là vào Big C mua bánh kẹo. Hoa cả mắt, đồ hiệu mà rẻ, chỉ muốn vơ hết về. Kế hoạch ban đầu đi từ MBK -> Siam Discovery -> Siam Center -> Siam Paragon -> Siam Square -> Center World -> Big C cơ mà bị bể, đi được mỗi 3 nơi tại mỗi chỗ mất nhiều thời gian quá. Các chị em mà đi chắc sướng lắm. Các bạn có thể tham khảo vị trí các trung tâm mua sắm ở dưới để sắp xếp kế hoạch đi cho phù hợp.
5. Lịch trình tại Pattaya
Chiều tối đến Pattaya việc đầu tiên làm là ra biển tắm, sau đó về tắm rửa rồi đi xem show Azakaba (Show chuyển giới). Vé mình đặt mua trước ở trang hotel2thailand.com, giá vé 700k/ 4 người, bao gồm 1 nước uống. Show diễn ra trong vòng 1 tiếng 10 phút, đầy đủ các nền văn hóa á Âu, có cả Việt Nam nữa. 100% diễn viên đều là con trai chuyển giới, nhìn xinh lắm. Biểu diễn hát hò thì toàn hát nhép thôi, nói chung là xem cho biết chứ cũng không có gì đặc sắc lắm. Xem xong bắt Sỏng Thẻo ra Walking Street, đang đói mà đi vào phố này no cả mắt. Các em gái bikini đứng đầy đường, cò mồi giơ biển hình đủ các tư thế sex mời chào. Mình vô một bar coi thử, mấy em gái trong đó nude hết các bạn ợ. Giá xèng coi có 79 bạt một chai bia thoai, rẻ nhể. Cơ mà mình coi chả có cảm xúc gì cả, chắc nhìn hoài chán rồi.
Sáng hôm sau định dạy sớm ra đảo Ko Lan cơ mà không dạy nổi, 9h mới bình minh. Ra ngoài đường vắng hoe, đúng là thành phố về đêm có khác. Mình thuê xe máy đi một vòng thành phố, lên chùa Wat Phra Khao Yai rồi vòng đến công viên Pattaya . Cũng không có gì đặc sắc cả, đi cho biết thôi. Buổi trưa về Central Festival Pattaya ăn uống, ngắm đồ rồi ra bến xe về Bangkok.
6. Ăn uống ở Thái Lan
Thái Lan rất nhiều đồ ăn, rất nhiều món cay, nóng. Mình ăn đồ Hàn cay cũng nhiều nhưng không chịu nổi vị cay của đồ Thái, cay quá nhiều khi mất cả vị ngon. Đồ ăn rất nhiều, các bạn xem hình bên dưới nhé. Nhiều món mình không nhớ tên, chỉ có mô tả lại thôi.
7. Chi phí
Tổng chi phí cho chuyến đi của mình khoảng 5 triệu rưỡi, bao gồm cả vé máy bay, ăn ngủ nghỉ, chơi bời, đi lại. Chi phí này không bao gồm tiền mua sắm cá nhân ở trung tâm thương mại. Các bạn hoàn toàn có thể tự tin với khoảng tầm 6 – 7 triệu là có thể vi vu thoải mái rồi. ^^
Một chuyến đi 4 ngày 5 đêm, thích gì ăn nấy, chơi bời thả ga với chi phí như trên là điều bạn hoàn toàn có thể làm được. Còn chần chừ gì nữa. Xách mông lên mà đi thôi ^^ Hi hi. Có gì cần tư vấn cứ pm mình nhé.